Nghề Kiến Trúc sẽ phát triển như thế nào trong thế kỷ 21

Suốt mấy thập kỷ qua, giới kiến trúc phương Tây đã đặt vấn đề sống còn của nghề kiến trúc. Họ từng tiến hành nghiên cứu những xu hướng xã hội, các tiến bộ kỹ thuật ảnh hưởng đến nghề, đến phương pháp hành nghề và khả năng kiến trúc sư (KTS) đáp ứng yêu cầu thị trường và khách hàng tương lai. Giới kiến trúc ngày nay đang đối mặt với những đổi thay dữ dội, chẳng những tiến bộ công nghệ làm thay đổi sâu sắc đến thiết kế công trình mà các biến động to lớn về kinh tế -xã hội, môi trường xây dựng cũng tác động quyết định đến nghề nghiệp chúng ta. Mặt khác, KTS đang bị sức ép từ nhiều phía: Khách hàng tinh tế và đòi hỏi nhiều hơn, lợi ích cộng đồng yêu cầu chất lượng thiết kế và quy hoạch phải rất linh hoạt, sự cạnh tranh mãnh liệt từ ngoài nghề thu hẹp vai trò KTS, trách nhiệm pháp lý chi phối nhiều trong quá trình thiết kế trong khi thù lao tỏ ra chưa tương xứng.  

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Liệu nghề kiến trúc kiểu truyền thống sẽ còn tồn tại trong thế kỷ 21? Muốn tồn tại nghể kiến trúc phải thay đổi như thế nào trong môi trường xây dựng  mới? Đặc biệt nghề kiến trúc ở nước ta cần phải mạnh dạn chuyển đổi ra sao trong bối cảnh chung đó?

 Văn phòng kiến trúc nhường chỗ cho công ty kiến trúc-xây dựng:

Bước vào thời hậu-công nghiệp, các nghề truyền thống, trong đó có nghề kiến trúc đánh mất dần vai trò người chủ trì công trình (Master Builder) chỉ đạo thiết kế lẫn quá trình thi công.

Tuy nghề kiến trúc bị cạnh tranh gay gắt và khó tìm việc làm, vậy mà vẫn còn khá hấp dẫn đối với lớp trẻ. Tuyển sinh vào trường kiến trúc vẫn khá cao. Nhưng giống như nghề y, nghề kiến trúc nay được đào tạo dưới nhiều dạng chuyên sâu về thi công, kỹ thuật khác của quá trình thiết kế. Với số lượng KTS tăng gấp đôi trong thời gian qua, nhiều người tốt nghiệp kiến trúc phải tìm việc trong các ngành nghề khác. Người ta nhìn thấy họ công tác tại các công ty thầu xây dựng, địa ốc, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng…

Văn phòng kiến trúc kiểu cũ ngày càng nhường chỗ cho các văn phòng “A & E (Architects & Engineers) Office” quy mô ngày càng lớn, cung cấp các dịch vụ đa dạng bao gồm địa ốc, quy hoạch xây dựng và kinh tế, quản lý chương trình và quản lý xây dựng, quản lý công trình công cộng và thậm chí tìm kiếm nguồn tài chính đầu tư xây dựng.

Công ty Quy hoạch – Kiến trúc – Xây dựng nay được quản lý chặt chẽ hơn và hoạt động kinh doanh theo định hướng, và sẽ sử dụng người quản lý không chỉ tốt nghiệp ngành kiến trúc mà còn là những doanh nhân và luật sư. Họ sẽ cạnh tranh ráo riết và tìm cách cung ứng những dịch vụ khác với dịch vụ thiết kế truyền thống, nhắm phục vụ công trình xây dựng từ A đến Z.

Ưu tiên việc đào tạo và hành nghề ở nước ta:

Nhìn ra các nước chung quanh, hầu hết đã ổn định việc đào tạo KTS theo kiểu Âu-Mỹ và tổ chức nghề nghiệp phổ biến dưới dạng Đoàn KTS. Riêng ở nước ta, vẫn còn tình trạng nhập nhằng giữa kinh tế hoạch định và thị trường, từ đó việc đào tạo và hành nghề kiến trúc cũng bị ảnh hưởng theo. Muốn hội nhập với thế giới, nghề kiến trúc phải sớm giải quyết các vấn đề sau:

-Trước hết, cần nhanh chóng nâng cấp đào tạo KTS của ta ngang tầm với thế giới, chuyển đổi theo các chuẩn quốc tế và phải được thế giới công nhận.
-Kế đó là phải tạo khung pháp lý cho nghề kiến trúc, xác định lại vai trò thiết kế của KTS, tập hợp lực lượng, tổ chức lại nghề nghiệp chuyên môn của mình. Đặc biệt phải tạo được nội lực để giới kiến trúc trong nước hội nhập ngang ngửa với đồng nghiệp thế giới.

Về đào tạo KTS : Trước hết phải soạn thảo lại giáo trình và phương pháp đào tạo để bằng cấp của ta được thế giới công nhận. Và như vậy khi nước ta cho phép KTS nước bạn hành nghề tại Việt Nam, thì họ cũng phải cho phép ngược lại.

Hiện nay, không ít KTS vẫn còn chủ quan (phản ánh qua các phát biểu, bài viết) khi cho rằng, KTS Việt Nam so với thế giới không thua kém ai. Nhưng những ai đã từng thực sự cọ xát với các cuộc thi kiến trúc quốc tế đều thấy ngược lại. Nếu khẳng định mình ngang tài với đồng nghiệp nước ngoài, thì phải chấp nhận thi thố tài năng và thắng họ tại chính đất nước họ.

Về hành nghề kiến trúc: Thật ra nghề này không xa lạ tại các nước phát triển trên thế giới (cũng giống như các nghề luật sư, bác sĩ). Xin phép xây dựng công trình kiến trúc, sửa chữa cải tạo nhà đều phải qua trung gian một văn phòng KTS (chịu trách nhiệm về mặt mỹ thuật công trình, theo đúng quy hoạch đô thị). Tất cả KTS muốn hành nghề phải là thành viên của Đoàn KTS có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hoạt động nghề nghiệp của thành viên (quản lý, bảo vệ, duy trì kỷ luật, chuẩn đạo đức nghề nghiệp của thành viên).

Tạo nội lực để cạnh tranh:

Ở nước ta, hiện đang có cả vạn KTS nhưng hoạt động nghề nghiệp còn manh mún, thiếu tổ chức, mạnh ai nấy lo, chủ yếu là làm sao có công việc. Đang có hiện tượng tranh giành công việc không lành mạnh (tiêu cực), không tận dụng được lực lượng chung có tổ chức. Cần phải ý thức được rằng hoạt động nghề nghiệp của KTS ngoài mưu sinh, còn có nghĩa vụ cao cả là góp phần tạo dựng bộ mặt kiến trúc Việt Nam hiện đại có bản sắc.

Trong hành nghề nếu ta vẫn còn mò mẫm, tự tìm cho mình lối đi riêng, vất vả cạnh tranh với tập thể KTS nước ngoài có tổ chức, có tiềm lực tài chính, thì chắc chắn ta mãi bị thua thiệt… Thực tế là KTS nước ta ít có khả năng tham gia thiết kế những công trình quy mô lớn ngay tại đất nước mình, cuối cùng phải đi làm thuê cho các công ty nước ngoài, hoặc phải chuyển ngành.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *